Đã quá nổi tiếng với giải Nobel kiến trúc Châu Á, mọi người thường biết đến Hoàng Thúc Hào dưới góc độ tài năng kiệt xuất, là kiến trúc sư đạt được hàng loạt giải thưởng quốc tế danh giá nhất cho kiến trúc Việt Nam hiện nay , nhưng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác: Kts Hoàng Thúc Hào- Người truyền lửa
Là kiến trúc sư thuộc thế hệ công nghệ mới, tôi có may mắn được là học trò- và tiếp tục theo học thầy suốt 7 năm tại xưởng thiết kế. Từ những ngày đầu đã được tham gia dự án tuyệt vời như Nhà cộng đồng Tả Phìn, nhà cộng đồng Cẩm Thanh, sân chơi Thanh Tam Tây… thầy đã trao vào tay một người trẻ tuổi như tôi những cơ hội như thế.
Có thể bạn từng gặp nhiều kiến trúc sư rất tài (mặc dù tôi nghĩ rằng về tài năng thì thầy Hoàng Thúc Hào là hàng đầu), nhưng nếu bạn nhìn đến cốt cách, về cái tâm của kiến trúc sư, thầy tôi mới chính là một viên ngọc quý. Với vị thế và tài năng của mình, thay vì chạy theo xu thế chung, kiến trúc sư Hào lại luôn trăn trở về việc mình đã làm được gì cho cộng đồng. Một mình đi ngược dòng và chọn con đường đầy hiểm trở, 25 năm nghiên cứu, theo đuổi và phát triển kiến trúc phục vụ xã hội, cộng đồng, ThS.KTS Hoàng Thúc Hào đã đoạt 35 giải thưởng trong nước, 30 giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Triết lý kiến trúc hạnh phúc của thầy là một khái niệm bao hàm ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tiệm cận với sự an yên trong mỗi chúng ta.
Trên con đường đi ấy của thầy Hào, những khó khăn nhìn thấy được như kinh phí eo hẹp, nhân lực thiếu thốn,… cho những dự án vùng sâu vùng xa thật cụ thể và có thể giải quyết dần. Còn những chông gai không ai biết đến như đánh giá phiến diện của dư luận- của đồng nghiệp, những nghi ngờ về mục đích làm công trình “vì cộng đồng thật không hay vì giải thưởng” khi thấy quốc tế công nhận và kính nể thầy, thậm chí có cả những bài viết riêng để…theo dõi và chỉ trích từng dự án … thầy chỉ cười trừ, và im lặng. Thời gian 25 năm và sự cống hiến không ngừng nghỉ đã chứng minh tất cả. Chúng tôi cũng học điều đó từ thầy Hào: bền bỉ, miệt mài sáng tác. Chúng tôi biết những việc mình làm là đúng, việc tốt đâu cần giấu diếm (sự lan tỏa thông tin truyền cảm hứng đôi khi bị khối bảo thủ đánh giá như một bệnh dịch). “Thế giới rộng lớn và còn quá nhiều việc phải làm”. Đó là cách chúng tôi im lặng thực hiện công việc của mình.
Được học tập rất nhiều không chỉ kiến thức mà còn cả quan điểm kiến trúc- nhân sinh của thầy Hào, vợ chồng tôi vẫn thường trăn trở: Chúng tôi có thể trao đi điều gì cho cộng đồng? Vậy là fanpage, youtube và website Nhà của Gió ra đời.
Hai chúng tôi muốn chia sẻ mọi điều mình biết về nhà cửa, từ yếu tố thẩm mỹ đến kinh nghiệm xây dựng, cách vận hành,... Người đọc có thể theo dõi để tự tay làm cho mình một ngôi nhà đẹp. Chúng tôi muốn đóng góp chút kiến thức để giúp ích cho cộng đồng, giúp phổ biến thông tin cho những người đang đứng trước kế hoạch lớn của cuộc đời mình: xây nhà. Để cho dù có bàn tay của kiến trúc sư hay không, những ngôi nhà phần nào sẽ trở nên khoa học hơn, ấm cúng hơn, là tổ ấm thật sự cho mọi gia đình. Chúng tôi hy vọng có thể đưa những kiến thức này đến tay càng nhiều người càng tốt, không giấu diếm điều gì. Vợ chồng tôi biết rằng, đó có thể chỉ là những cho đi nhỏ bé, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể trong điều kiện của bản thân.
Cũng như vậy, tôi tin rằng có rất nhiều lứa sinh viên ngoài kia đã có cơ duyên được gặp thầy, được thầy trao kiến thức và cảm hứng, để mỗi kiến trúc sư ra đời sẽ luôn tâm niệm về sự cho đi theo cách của riêng mình.
Tôi còn nhớ mãi một câu nói của thầy- Ths. KTS. Hoàng Thúc Hào: “Thà đốt lên ngọn lửa nhỏ còn hơn đứng nguyền rủa bóng tối”.
Di sản của thầy sẽ còn mãi. Không chỉ là những công trình kiến trúc bền vững, đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, mà còn là cảm hứng lan tỏa cho cả thế hệ tiếp bước, để một ngọn lửa kiến trúc vị nhân sinh rực rỡ sẽ được góp nên từ hàng vạn đốm lửa nhỏ bé.
Một buổi tối muộn, vợ chồng tôi đến thăm thầy để chia sẻ về những điều chúng tôi đã- và đang làm được. Trò chuyện đến khuya, lúc chia tay thầy tặng chúng tôi một cuốn sách kiến trúc rất dày- thầy vẫn trao đi những món quà tinh thần như vậy- như ngày nào chúng tôi còn là sinh viên.
Hà Nội, ngày giáp tết năm Kỷ Hợi.
Chia sẻ bài viết: