Thử tưởng tượng, trong một sáng đầu thu gió hiu hiu, bạn ngồi ngoài hiên nhà, bên ly cà phê ấm nóng, ngả lưng trên chiếc ghế đung đưa, ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua tán cây, nghe tiếng chim hót líu lo… Hay buổi trưa hè ngoài kia nắng gắt, ta mời bạn bè đến ăn một bữa cơm dưới hiên nhà lộng gió, trời trong và cao, xa xa là bờ sông với vài ba chiếc phà trôi lững lờ….
Hiên nhà là một chi tiết phổ biến trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đặc biệt ở các căn nhà lớn, biệt phủ, biệt thự đẹp.. thì khu vực hiên càng được chú trọng. Đến khi người Pháp sang Việt Nam, họ đã nghiên cứu một kiểu “Kiến trúc Đông Dương” sao cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm của nước ta. Để ý sẽ thấy, ở các biệt thự nhà vườn kiểu Pháp, không gian tầng trệt thường thấp và được để trống (cái này tôi sẽ nói đến ở một bài viết khác), hiên nhà hoặc ban công rộng, luôn đặt một bộ bàn trà, thậm chí là bàn ăn, ghế dài thoải mái. Người Tây họ rất thích sinh hoạt chung ở nơi thoáng- mà tôi thấy người ở đâu cũng vậy (suy từ khách hàng Nhà của Gió mà ra ^^). Nói vậy để thấy rằng, hiên nhà là một kiệt tác của kiến trúc nhiệt đới, vừa thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, lại vừa tiện nghi( với mái đua tránh mưa rào- nắng gắt), một kiểu không gian “nửa trong-nửa ngoài” thú vị. Dựa vào nguyên lý của định luật Bernoulli và ống Venturi trong Vật lý, hiên với phần mái đua thấp và rộng đặc biệt phù hợp với khí hậu nhiệt đới, gần biển đặc trưng ở nước ta.
1. Kích thước hiên: Hiên càng rộng càng đẹp, tuy nhiên, tùy vào nhu cầu của bạn mà có các kích thước đề xuất như sau: hiên rộng tối thiểu 0.8m để có cảm giác thoải mái với loại ghế đơn, ghế băng. Nếu bạn có một căn biệt thự, thật tuyệt để có bàn ăn, hãy đảm bảo hiên có bề rộng tối thiểu 1,5m.
2. Vật liệu làm mái: Bạn có thể xem trên mạng thấy những bức ảnh mái kính rất đẹp, nhưng hãy cẩn thận, có lẽ đó là những ngôi nhà ở Châu Âu. Với cái nắng như ở ta, hãy đảm bảo phần ánh sáng xuyên qua không quá 30% diện tích mái hiên, nếu không, hiên không chỉ rất nóng mà Thủy đảm bảo rằng vợ của bạn sẽ không bao giờ ngồi ở đó đâu. Có khá nhiều gợi ý vật liệu: bê tông, mái thép-kính hoặc gỗ-kính với lam chắn nắng, mái nhựa thông minh (chi phí rẻ),…
3. Nền: Tùy vào nhu cầu mà có thể làm nền hiên cao hay thấp so với vườn nhà. Nhưng hãy tính toán trước một số điều kiện cơ bản: nếu bạn không ưa côn trùng nhiệt đới (có những loài rất khó diệt như vắt, kiến ba khoang,..) thì nên làm nền hiên cao tối thiểu khoảng 300-450mm. Nếu được hãy nghiên cứu một số kiểu nền “cắt” đường lên của côn trùng. Vật liệu làm nền nên làm vật liệu đơn giản- thô mộc, hãy tạm quên những kiểu vật liệu bóng loáng, bạn đang muốn trải nghiệm cảm giác thư thái, gần gũi, mộc mạc đúng không nào? Cần cân nhắc độ cong vênh của vật liệu gỗ tự nhiên, với gỗ nhân tạo- hãy tính toán độ bạc màu.
4. Nhớ hệ thống kỹ thuật điện của hiên nhé: đèn, quạt (một chiếc quạt trần thì thật tuyệt), thậm chí là cả âm thanh nữa, tại sao không?
5. Hãy sáng tạo thêm cho hiên nhà của bạn đi nào, đặt mái kính trong suốt hoàn toàn dưới một cây lớn để có thể nhìn thấy tán cây và ngắm mưa qua mái (đảm bảo là cây đủ lớn bạn nhé, nếu không thì cân nhắc vật liệu làm mái Thủy nêu ở trên). Trồng một rặng hồng leo thì sao nhỉ?( bón sinh tố vỏ chuối để ra hoa thật đẹp nhé). Hay là một bờ mái thả “hàng rèm” cúc tần ấn độ?...thỏa sức thể hiện gu thẩm mỹ và sự lãng mạn của bạn đi nào hihi. Có rất nhiều cách tuyệt vời để làm nên hàng hiên “nhớ nhung mãi không xa rời được” cho tổ ấm của mình.
6. Còn gì bằng nếu hàng hiên đi kèm với một sân vườn đẹp. Hãy theo dõi bài viết của tôi về vườn đẹp nhé!
Để ngôi nhà không chỉ là nơi ở, mà là không gian sống và tận hưởng, khi lên kế hoạch cho một ngôi nhà, đặc biệt là phong cách biệt thự nhà vườn hiện đại, hãy thử nghiêm túc nghĩ đến một hàng hiên bạn nhé.
Chia sẻ bài viết: